Lần thứ hai tham gia một giải Vô địch trẻ thế giới, các thầy trò Thể dục dụng cụ Việt Nam đã có ít nhiều kinh nghiệm trong thi đấu, tuy nhiên vẫn bị choáng ngợp bởi tầm vóc quy mô về mặt tổ chức và trình độ bậc thầy của các đối thủ tham gia. Với sự tham dự của hơn 10 quốc gia châu Âu với hơn 80 vận động viên nam trẻ thuộc 3 nhóm tuổi, trong đó phải kể đến các cường quốc như German, Canada, Croatia, Slovenia, Ukraine, Turkey, Azerbaijan, Poland… và nước chủ nhà Hungary, các vận động viên trẻ của Việt Nam đã nỗ lực hết mình và gặt hái được những tấm huy chương quý báu có thể gọi là kỳ tích của nền Thể dục dụng cụ trẻ Việt Nam. Đội hình Thể dục dụng cụ Việt Nam tuy chỉ có 4 vận động viên (mà 2 trong số đó mang trong người những chấn thương chưa hoàn toàn bình phục là Văn Vĩ Lương và Đặng Ngọc Xuân Thiện) chia đều cho 3 nhóm, nhưng các vận động viên trẻ đã chiến đấu rất ngoan cường trước những đối thủ với tầm vóc to lớn, thể lực sung mãn và kỹ thuật điêu luyện đến từ các quốc gia mạnh khác… 

Kết thúc ngày thi thứ nhất ở nội dung Vòng loại – và Vô địch toàn năng, 2 vận động viên Nguyễn Phước Hải và Nguyễn Văn Khánh Phong đã mang về 2 huy chương đồng quý giá ở nội dung Toàn năng, đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi. Bước sang ngày thi đấu thứ hai với nội dung Vô địch đơn môn, các vận động viên Thể dục dụng cụ trẻ Việt Nam đã liên tục làm cho cả nhà thi đấu bùng nổ từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác với những tấm huy chương vàng, bạc, đồng liên tiếp được xướng tên chủ nhân là những vận động viên trẻ Việt Nam. 

Trong số 4 huy chương vàng đơn môn quý báu mà các vận động viên trẻ đã đoạt được, trước hết phải kể đến là vận động viên Nguyễn Phước Hải ở nội dung Xà kép, đối thủ chính là vận động viên Kovtun Illia người Ukraine tuy cùng nhóm tuổi 13-14, nhưng với thể hình to cao như người đã trưởng thành cùng với những kỹ thuật động tác với độ khó cao, thực hiện đẹp cộng với gương mặt thi đấu lạnh lùng, vận động viên Ukraine này đã làm nản lòng biết bao đối thủ khác và đoạt 5/6 huy chương vàng đơn môn ngoại trừ nội dung Xà kép khi Nguyễn Phước Hải đã thực hiện bài thi trên cả tuyệt vời đã đoạt chiếc cúp và huy chương vàng một cách thuyết phục.

Ở nhóm tuổi 15-16, cả 2 vận động viên Nguyễn Văn Khánh Phong và Đặng Ngọc Xuân Thiện cũng đã lần lượt mang về 2 chiếc cúp và 2 huy chương vàng. Với Xuân Thiện xuất thần ở nội dung Ngựa vòng, Khánh Phong với sự chỉn chu ngay cả trong những động tác nguy hiểm ở Xà đơn, hai vận động viên trẻ đã làm cho gương mặt vốn nghiêm khắc của huấn luyện viên Võ Đình Vinh nở những nụ cười hiếm hoi và sâu lắng tự hào. 

Mang trong người chấn thương cổ tay từ giải Vô địch trẻ châu Á tháng trước tại Thái Lan, vận động viên Văn Vĩ Lương đã chỉ có thể thi đấu 3 nội dung, việc đoạt 1 chiếc cúp và huy chương vàng ở Nhảy chống là minh chứng rõ rệt nhất cho sự quyết tâm của mình. Điều gì đã mang lại thành tích 4 vàng; 5 bạc; 4 đồng và ý nghĩa của nó như thế nào trong con đường phát triển của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Phải chăng đó là những câu hỏi mà những người làm chuyên môn luôn trăn trở! Kết quả trên là một kỳ tích? Vâng, chúng ta có quyền tự hào về các vận động viên trẻ của chúng ta, vì các vận động viên trẻ chính là những người đã tự nguyện rời xa mái ấm gia đình, tạm gác tuổi thơ trên quê hương, chia tay cha mẹ cùng mọi người thân, bạn bè… để lên đường đến tận trời Âu âm thầm khổ luyện. 

Với 100% kinh phí của Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hồ Chí Minh, các vận động viên trẻ đã và đang cùng với hai huấn luyện viên là Võ Đình Vinh và Lê Hoàng Thành tập huấn dài hạn ở thủ đô Budapest - Hungary từ những tháng đầu năm 2015 đến nay. Xa gia đình cả năm trời trong hoàn cảnh con nhỏ còn ẳm ngữa, cha già bị tai biến nằm liệt gường… cả nhà neo đơn chỉ biết mong chờ sự quán xuyến của những người vợ xinh đẹp, tảo tần… trong hoàn cảnh như thế thử hỏi có mấy ai dám dứt áo ra đi để… bước lên máy bay sang tận châu Âu từ năm này sang năm khác như hai huấn luyện viên này? Được tập luyện chung với đội tuyển quốc gia Hungary thực sự là một ưu ái mà không phải ai muốn cũng được. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi giữa hai Liên đoàn Thể dục Việt Nam – Hungary mà người đại diện không ai khác chính là Tổng Thư ký Nguyễn Kim Lan và Ủy viên Olympic Hungary Phạm Ngọc Chu. Tuy là một “đại gia”, một doanh nhân rất thành đạt tại châu Âu, nhưng đồng thời ông cũng là một người “cha” của các vận động viên trẻ. Với sự kết hợp chặt chẽ với chuyên gia và huấn luyện viên Việt Nam, ông đã thể lòng thương yêu, sự chăm sóc… từ miếng ăn, giấc ngủ, nhu cầu giải trí… của cả đội Thể dục dụng cụ trong suốt những năm tháng qua. Một chữ “Bố Chu” cũng đã nói lên tất cả nỗi niềm của các vận động viên trẻ xa quê hương, vốn thiếu thốn tình thương của cha mẹ… đã dành cho ông. 

Các yếu tố trên cùng với nhiều yếu tố khác cùng với sự miệt mài của cả thầy lẫn trò đã mang lại những thành quả bước đầu cho nền Thể dục dụng cụ trẻ Việt Nam. Tuy vậy, con đường dẫn đến vinh quang vẫn còn rất xa và còn nhiều gian nan, thử thách. Vì thể thao ngày nay không còn đơn thuần là sự tập trung của một vài yếu tố, mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả các điều kiện cần thiết của thể thao, bên cạnh sự hy sinh của huấn luyện viên, vận động viên… còn là sự quan tâm một cách thiết thực của các nhà quản lý thể thao, sao cho sự kết hợp giữa tập luyện và thi đấu; giữa nâng cao lượng vận động và hồi phục… dẫn đến những kết quả thi đấu tốt nhất có thể.  

Giành được 4 huy chương vàng; 5 huy chương bạc và 4 huy chương đồng tại một giải có tầm vóc thế giới, tuy chỉ là cấp độ Junior và Age Group, nhưng rõ ràng đây là những thành quả bước đầu rất đáng khích lệ và tự hào. Hy vọng rằng đây sẽ là một trong những lực lượng xứng đáng nối gót các vận động viên đàn anh, đàn chị của gia đình Thể dục Việt Nam.